Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

QUỐC HỘI LOAY HOAY CHUYỆN BUỘC ĐẶT MÁY CHỦ Ở VN

Tranh luận việc buộc Facebook, Google
đặt máy chủ ở Việt Nam

VNE

Thứ năm, 23/11/2017 | 14:10 GMT+7
Đối lập với lo ngại về an ninh, trốn thuế..., nhiều đại biểu cho rằng buộc doanh nghiệp ngoại đặt máy chủ ở Việt Nam là trái cam kết hội nhập.

Buộc Facebook, Google đặt máy chủ ở Việt Nam để chống 'nói xấu, xuyên tạc'

Sáng 23/11, thảo luận về dự án Luật an ninh mạng, nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý vào quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam, phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An, cho hay yêu cầu này đã được 14 nước như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... thực hiện.

"Vì sao các nước đó làm được, chúng ta không làm được", ông Cầu nói và khẳng định việc ủng hộ quy định nêu trên của dự Luật.
Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: Quochoi.

Theo Giám đốc Công an Nghệ An, các doanh nghiệp internet nước ngoài thu lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, thì phải chịu các quy định bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

"Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không cho một nước cụ thể", ông Cầu nói.

Cũng theo đại biểu Cầu, môi trường thông tin mạng không khác gì môi trường xã hội, có cái tốt và cũng nhiều cái xấu làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức, dẫn đến những hành vi sai trái của con người.

"Điều nghịch lý là người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng", ông nêu quan điểm và nói thêm, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn của nhà nước.

Ủng hộ quan điểm của ông Cầu, đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc công an Bạc Liêu cho biết, thời gian qua nhiều vụ gây rối làm mất an ninh trật tự ở các địa phương đều có sự tham gia của các trang mạng, do đó việc ban hành Luật an ninh mạng với những quy định như dự thảo hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Theo ông Tới, trên môi trường mạng xã hội do Facebook, Google cung cấp đã và đang có những vi phạm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước, tuy nhiên trong dự Luật chưa quy định các chế tài cụ thể khi đối tác cố tình vi phạm và không chấp hành quy định.

Giám đốc Công an Bạc Liêu cho rằng, xử lý các doanh nghiệp vi phạm "không phải bằng cái vỗ vai, cái lườm nhau, nhắc khéo nhau, đe doạ nhau, mà phải được điều chỉnh bằng luật, cơ chế, hiệp định hỗ trợ tư pháp".

Yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam "trái cam kết hội nhập"

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, thì cho rằng quy định nhà cung cấp dịch vụ phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam là trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.

Bà Thuý cho hay, trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam; cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam cũng nêu tương tự.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng). Ảnh: Quochoi.

Ngoài ra, đại biểu Thuý cũng cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 12) mà Việt Nam từng ký kết, đã quy định "không bên nào được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của mình, để xem đó như điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".

Nữ đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán TPP 11, do đó dự Luật không nên đặt ra những quy định trái với quy định mà Việt Nam từng thống nhất.

"Việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba", bà Thúy nói.

"Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?", bà Thuý băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện, vì các nhà cung cấp có thể sử dụng biện pháp công nghệ khác như điện toán đám mây...
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: Quochoi.

"Để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro đối với hành vi đưa tin tức giả", ông Hiếu đề xuất.

Theo ông, không nên chỉ nhìn vài trăm triệu USD quảng cáo trên các mạng xã hội chưa thu được thuế mà phải thấy những quảng cáo có thông tin bổ ích, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao dân trí.

Dẫn số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu tài khoản Facebook - là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới, ông Hiếu đề nghị "cân nhắc yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành dự Luật này".

Đại biểu Trần Hồng Hà thông tin thêm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ trên toàn thế giới, chứ không phải ở nước nào cũng đặt máy chủ.

"Quy định như dự thảo Luật sẽ khó thực hiện, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam, người dùng tại Việt Nam không thể sử dụng hai dịch vụ này với nhiều tiện ích, sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế", ông Hà nói.

Võ Hải 
 

7 nhận xét :

  1. Cử tri Vũ Xuân Tửulúc 19:09 23 tháng 11, 2017

    Đề nghị các đại biểu Quốc hội hãy sáng suốt đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích nhóm. Đề phòng sự can thiệp tinh vi, hiểm độc của Tàu Cộng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để cho tầu cộng kiểm soát mạng xã hội nước Việt nam thì có thể cũng giúp đảng tồn tại thêm thời gian. Nhưng với đà cán bộ lãnh đạo mà tham nhũng quá thể đến tàn tạ, kiệt quệ đất nước thì không còn đảng để mà giữ đâu.

      Xóa
    2. Không quản lý được, đề nghị cấm tịt! khi nào quản lý được thì cho nó vào thế là xong?

      Xóa
  2. công an luôn ủng hộ luật an ninh mạng vì họ mong muốn việt nam giống triều tiên thiên đường của XHCN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảng cơ cấu công an rất nhiều trong quốc hội để gây ảnh hưởng bảo vệ bằng được chế độ!

      Xóa
  3. Chắc các bác nghĩ máy chủ nó cũng như ổ cứng của máy cá nhân. Cần là tịch thu, mang về đọc, thậm chí nhồi thêm mấy thông tin nhạy cảm vào... FBI họ lấy được máy điện thoại thông minh của tội phạm mà không mở được máy là sao nhỉ?!!!

    Trả lờiXóa
  4. Sao lại so sánh với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ (như nhà thổ)…
    Việt Nam bé lắm, nếu Google đóng lại với Việt Nam, Việt Nam sẽ “sập” hoàn toàn. Muốn nhờ anh khựa ư? phải bán nước và cũng cần thời gian. Còn các công ty đa quốc gia khác nữa, đâu chỉ Google, Facebook. Mấy ông côn an chỉ muốn quản dân như trại tù! Học theo cha con Ủn-Ỉn.

    Trả lờiXóa